• Tiếng Việt
  • American
  • Covid-19 đã 'kích hoạt' doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào
    Loading...

    Covid-19 đã 'kích hoạt' doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào

    23/12/2020 09:44:02
    358

    Lượt xem

    Từ chủ đề mang tính xu hướng và dự báo trong phòng hội nghị, chuyển đổi số đã thành những cú "bắt tay", những dự án thật năm nay.

    Hôm 21/12, PKH, nhà phát triển giải pháp MedPro, vừa bắt tay hợp tác xây dựng ứng dụng cho Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu). Với ứng dụng này, người dân có thể đăng ký khám bệnh trực tuyến và cả thanh toán trực tuyến qua ví điện tử Smartpay. Đồng thời, bệnh viện cũng an tâm hơn về việc tụ tập đông người khi vẫn phải đề cao cảnh giác với Covid-19.

    Ông Bùi Triệu Anh Tuấn, Tổng Giám đốc PKH cho biết, đến nay MedPro đã triển khai được tại 20 bệnh viện ở TP HCM cùng các tỉnh lân cận, và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. "Việc hợp tác này không chỉ có ý nghĩa về mặt công nghệ, mà đây thật sự là giải pháp các bệnh viện nên áp dụng", ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi nói.


    Chuyên gia MedPro chia sẻ về ứng dụng "Bệnh viện Lê Lợi" hôm 21/12. Ảnh: Nguyễn Cường.

    Những cú bắt tay như thế này không chỉ có trong ngành y tế, ngành được xem là "nóng" hàng đầu năm 2020 bởi Covid-19, mà còn xuất hiện liên tục ở hàng loạt các lĩnh vực, ngành nghề khác trong suốt năm qua.

    Trung tuần tháng 11, QSR Việt Nam, đơn vị sở hữu một loạt thương hiệu F&B như Dairy Queen, Swensen‘s, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab hay Chan... hợp tác để Abeo Việt Nam tư vấn và triển khai giải pháp S/4HANA nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. "Mục tiêu cốt lõi trong 3 năm tới của QSR là có một nền tảng số để hỗ trợ, đẩy mạnh kênh giao hàng, chăm sóc khách hàng và quản trị dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả hơn", bà Phạm Thị Hồng Vân, Phó tổng giám đốc QSR Việt Nam, tuyên bố.

    "Những thử thách trong năm 2020 đã đẩy mạnh nhu cầu ứng dụng công nghệ thông minh tại các doanh nghiệp bán lẻ", ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam nói rằng nhu cầu đó đến từ mục tiêu mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, đồng thời thúc đẩy kinh doanh bền vững trên mọi phương tiện.

    Dường như chưa bao giờ, việc bắt buộc phải "số hóa" hoặc tận dụng thời cơ lý tưởng để "số hóa" cùng diễn ra trong năm 2020, tạo thành một cơn bùng nổ khi nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cùng nhau tuyên bố bắt đầu chuyển đổi số.

    Đi đầu và năng nổ nhất là những ngành chịu tác động bởi các thói quen tiêu dùng thay đổi khi Covid-19 xuất hiện, xoay quanh việc người dùng ít ra ngoài hơn, thích lên trực tuyến hơn và chi tiêu dè sẻn hơn.

    F&B nói riêng và bán lẻ nói chung, vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội, đang cố gắng trở mình để có thể tồn tại lâu dài. Với ngành F&B, trong khi các đơn vị nhỏ tìm đến các ứng dụng gọi món hay "bếp trên mây" để sinh tồn, các đơn vị lớn như QSR, Golden Gate áp dụng các giải pháp chuyển đổi số mang tính hệ thống. Hay như ngành gỗ, từ việc mọi người có nhu cầu đầu tư không gian sống nhiều hơn nhưng ít ra ngoài hơn đã trở thành động lực cho các hội viên của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) bắt đầu mở những showroom không gian ảo trực tuyến.

    Ở ngành tài chính, các ví điện tử có một năm bùng nổ lượng người dùng và giao dịch. Trong khi, các ngân hàng được phép thí điểm thì ra sức giới thiệu định danh điện tử (eKYC) - giải pháp được những người trong ngành tin là "chìa khóa mở cánh cửa cung cấp dịch vụ số cho các ngân hàng".

    Thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực phản chiếu rất rõ những thay đổi trong hành vi của người dùng và khả năng nắm bắt thời cơ lên "số hóa" của các doanh nghiệp. Trong những sự kiện khuyến mãi lớn gần đây như 10/10, 11/11, 12/12, nhiều sàn lớn đều báo cáo doanh số tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

    Dịp 12/12 mới đây, Tiki cho biết doanh số gấp 10 lần so với ngày thường và tăng 3,4 lần so với cùng kỳ 2019. Trên Shopee, một nhà bán hàng phụ kiện điện thoại gây chú ý khi đạt doanh số đến 13 tỷ đồng chỉ trong ngày 12/12.

    Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho biết, có đến 72% SME tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số, tăng đáng kể so với mức 32% năm 2019.

    Còn theo khảo sát HSBC Navigator công bố đầu tháng 12, 68% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp nói rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa/hiệu quả hoạt động.


    Công nghệ nhận diện gương mặt ứng dụng khi tiến hành eKYC. Ảnh: Phan Tâm.

    Nhiều chuyên gia khác cũng đồng thuận rằng, đại dịch đang khiến những chuyển đổi về mặt số hóa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. "Chúng tôi nhận thấy đại dịch đang khơi dậy các xu hướng có từ trước, chẳng hạn như chủ đề số hóa của Việt Nam và sức ảnh hưởng của nội dung trên các kênh truyền thông xã hội đối với người tiêu dùng", Raphael Lachkar, COO Vero, đánh giá.

    Vào tháng 6, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số", chính thức khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Từ đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hiện thực và cụ thể hóa hơn nữa thông điệp "Make in Vietnam".

    Nhờ chiến lược "Make in Vietnam", Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị tự sản xuất. Đến tháng 12, Viettel, Vinaphone đã bắt đầu triển khai dịch vụ 5G ở một số khu vực nhất định.

    Theo "Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030", trước mắt đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có nền kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ 4.0 đạt ít nhất 20%.

    "Tuy nhiên, sẽ là thách thức rất lớn khi mà gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng với chuyển đổi số", theo nhận định tại nghiên cứu của nhóm chuyên gia do GS. TS Nguyễn Đông Phong (Đại học Kinh tế TP HCM).

    Theo nhóm nghiên cứu, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực đang bước vào quá trình chuyển đổi số ở các cấp độ khác nhau, mặc dù khái niệm này còn mới mẻ.

    Về cơ bản, các doanh nghiệp Việt Nam đều có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp.

    Các chuyên gia cũng cho rằng, một bộ phận các doanh nghiệp vẫn "mơ hồ" về chuyển đổi số, do vậy gặp những khó khăn trong việc xác định một chiến lược và bước đi ban đầu. Phần lớn chưa nhận thức và tìm ra sự gắn kết giữ lợi ích của việc chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh.

    Một phân tích khác của nhóm chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Ngọc Thạch, Trương Văn Tú của Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các SME tại Việt Nam còn khá thấp. "Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng về mức độ sẵn sàng trong năm 2020 với ảnh hưởng của Covid-19", nhóm chuyên gia xác nhận.

    Vì vậy, nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Đông Phong khuyến nghị, để tiếp tục phát triển quá trình chuyển đổi số, chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, các cách các thủ tục hành chính theo hướng hoàn thiện "chính phủ điện tử" và "chính quyền điện tử" để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công lẫn tư.

    Cùng với đó, cần ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nhân lực để vượt qua ngưỡng "sơ khởi" của quốc gia sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích phát triển các nền tảng số "Make in Vietnam" đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu khách hàng với tính chất là tài nguyên trong thời đại mới.

    Về phía các doanh nghiệp, ngoài việc cần nâng cáo nhận thức về sản xuất kinh doanh trong kỷ nguyên 4.0; xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số thì các chuyên gia cho rằng cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng 5 phương diện để chuyển đổi số doanh nghiệp.

    Cụ thể bao gồm: khai thác các mạng lưới khách hàng; xây dựng các nền tảng, không chỉ xây dựng các sản phẩm; biến dữ liệu thành tài sản doanh nghiệp; đổi mới thông qua thử nghiệm nhanh và điều chỉnh tuyên bố giá trị và làm chủ các mô hình kinh doanh đột phá.

    Nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Kinh tế Quốc dân thì đề xuất 5 giải pháp và hàm ý để SME chuyển đổi số thành công hơn, bao gồm: các bộ ngành liên quan cần chủ động triển khai và chi tiết đề án hỗ trợ SME chuyển đổi số; hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ và mô phỏng chuyển đổi số cho SME; nghiên cứu và xây dựng một bộ công cụ giúp SME tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tài chính đầy đủ và hợp lý cho các SME chuyển đổi số; các doanh nghiệp hàng đầu cần chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡn các SME chuyển đổi số.

    Viễn Thông - VNExpress

    • Chia sẻ qua viber bài: Covid-19 đã 'kích hoạt' doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào
    • Chia sẻ qua reddit bài:Covid-19 đã 'kích hoạt' doanh nghiệp chuyển đổi số như thế nào

    Tin liên quan

    Bất động sản hậu cần, kho vận bùng nổ năm 2020

    Bất động sản hậu cần, kho vận bùng nổ năm 2020

    Tổng nguồn cung nhà kho 4 tỉnh phía Nam vọt lên trên 3 triệu m2, phía Bắc cũng tăng trưởng với hơn 880.000 m2 kho vận.

    Amazon có vài nghìn nhà bán hàng Việt Nam

    Amazon có vài nghìn nhà bán hàng Việt Nam

    Thay vì con số 100.000 nhà bán hàng Việt Nam có mặt trên Amazon như thông tin trước đó, sàn này vừa đính chính con số chính xác chỉ vài nghìn.

    Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc Mỹ xác định 'Việt Nam thao túng tiền tệ'

    Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc Mỹ xác định 'Việt Nam thao túng tiền tệ'

    Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.